tu-20-50-tuoi-can-tich-luy-bao-nhieu-tien-de-song-an-nhan-khi-ve-gia-dung-de-nuo

Từ 20-50 tuổi cần tích lũy bao nhiêu tiền để sống an nhàn khi về già? đừng để "nước tới chân mới nhảy" vì lúc đó không còn kịp nữa rồi!

Hỗ trợ 26/08/2021

Morgan Freeman bắt đầu bén duyên với điện ảnh ở tuổi 40. Warren Buffett chỉ thu về phần lớn lợi nhuận sau tuổi 52. Vì thế, dù bạn đang ở độ tuổi nào, chưa bao giờ quá muộn để học cách quản lý tài chính, tiết kiệm và làm giàu.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy một xu hướng đang diễn ra trong giới nhà giàu vào thời điểm hiện tại: bỏ tiền mua tài sản.

Bill Gates và Warren Buffett mua đất nông nghiệp. Mark Cuban tậu tranh NFTs. Peter Schiff - CEO Euro Pacific Capital - bỏ tiền cho vàng. Và còn rất nhiều ví dụ khác.

Người giàu đã hành động đầy quyết đoán, còn chúng ta thì vẫn ngồi đây, hy vọng rằng mình không mua tiêu sản nhiều hơn tài sản.

TÍNH TOÁN KHỐI TÀI SẢN CỦA BẠN

Mọi người thường bảo: "Một đồng tiết kiệm là một đồng làm ra". Tuy nhiên, tiết kiệm không phải là đích đến cuối cùng của tài chính cá nhân. Tài sản mới là thứ có thể giúp chúng ta kiếm thêm tiền, bảo vệ tương lai khỏi rủi ro lạm phát.

Lạm phát là một loại "thuế ẩn" đánh vào chiếc ví của bạn. Nó ảnh hưởng nhiều nhất đến tầng lớp trung lưu và người nghèo - nhóm người có ít kiến thức về tài chính nhất. Trong lịch sử, lạm phát thường xảy ra sau sự kiện, thảm họa quy mô lớn như động đất, chiến tranh, bệnh dịch…

Lúc này, tích lũy tài sản nhiều hơn tiêu sản không đơn thuần chỉ là trò chơi tài chính. Toàn bộ cuộc sống của bạn đang phụ thuộc vào thói quen này.

Muốn bắt đầu, trước hết bạn phải hiểu tình hình tài chính của mình và tính toán khối tài sản mà mình có. Kiểm đếm mọi khoản tiết kiệm và mọi thứ bạn coi là tài sản (cổ phiếu, nhà đất, tài khoản hưu trí,...), sau đó trừ đi tiêu sản (nợ nần, chi phí y tế, thuế bị truy thu…). Khoản còn lại chính là khối tài sản của bạn.

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, bạn sẽ cần có một khối tài sản nhất định để đảm bảo tương lai của mình. Nếu chưa đạt đủ những cột mốc này, hãy mau chóng kiếm thêm càng nhanh càng tốt.

Từ 20-50 tuổi cần tích lũy bao nhiêu tiền để sống an nhàn khi về già? Đừng để nước tới chân mới nhảy vì lúc đó không còn kịp nữa rồi! - Ảnh 1.

20 TUỔI

Khối tài sản nên có: 0 USD (0 VNĐ) hoặc ít hơn

Nếu sở hữu khối tài sản từ 0 USD trở lên ở độ tuổi 20, bạn đang làm tốt hơn rất nhiều bạn bè đồng trang lứa. 

Lý do rất đơn giản: nhiều bạn trẻ ngoài kia phải gánh trên vai những khoản nợ chồng chất, chẳng hạn như vay tiền học đại học, vay tiền chi tiêu...

Nếu không có khả năng trả các khoản vay này, cuộc đời bạn sẽ cứ tiếp tục chìm trong vòng xoáy nợ nần trong tương lai.

Việc nên làm:

Đầu tiên, bạn cần trả đúng hạn các khoản nợ ngân hàng, không nên vay nhiều hơn mức mình cần. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao điểm tín dụng, tạo điều kiện để bạn hưởng mức ưu đãi lớn từ ngân hàng nếu có vay vốn sau này. Ngoài ra, bạn cần xác định rõ đâu là tài sản, đâu là tiêu sản để có thói quen chi tiêu hợp lý.

Thứ hai, bắt đầu tiết kiệm tiền cho tuổi già, đặc biệt với những người không đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, bạn sẽ có thêm một khoản tiền đáng kể để chi tiêu sau khi về hưu. Kể cả những người làm công ăn lương cũng nên áp dụng thói quen này, để có thể yên tâm trước mọi bất trắc của cuộc sống hưu trí.

Thứ ba, bạn có thể thử đầu tư vào thị trường chứng khoán. Càng sớm đầu tư, bạn sẽ càng nhanh nhận được lãi suất kép, hay còn được hiểu là "tiền đẻ ra tiền". Đây là thứ mà Albert Einstein từng gọi là "kỳ quan thứ 8 của thế giới", giúp Warren Buffett và nhiều người khác trở nên giàu có. Khi đầu tư vào loại tài sản này, tiền của bạn không biến mất mà còn nhân lên gấp nhiều lần.

Thứ tư, đầu tư vào tri thức. Bạn sẽ không thể đầu tư hay tiết kiệm hiệu quả nếu thiếu kiến thức về tài chính. Những cuốn sách bổ ích như "Nhà đầu tư thông minh" hay "Cha giàu cha nghèo" cũng là một kiểu tài sản có giá trị, giúp bạn nâng cao khả năng hiểu biết của mình về tiền bạc.

Từ 20-50 tuổi cần tích lũy bao nhiêu tiền để sống an nhàn khi về già? Đừng để nước tới chân mới nhảy vì lúc đó không còn kịp nữa rồi! - Ảnh 2.

30 TUỔI

Khối tài sản nên có: 13.900 USD (khoảng 317 triệu VNĐ)

Đến ngưỡng tuổi này, bạn nên trả hết các khoản nợ tồn đọng trước đó của mình. Nếu chưa làm được, bạn cũng không nhất thiết phải lo lắng, bởi phần lớn mọi người trong độ tuổi này cũng chỉ có trong tay khối tài sản vỏn vẹn vài chục triệu VNĐ.

Tuy nhiên, sau giai đoạn này, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc. Cách bạn chi tiêu và đầu tư trong độ tuổi 20-30 sẽ quyết định mức độ thành công và giàu có của bạn sau này.

Việc nên làm:

Đầu tiên, hãy cố gắng duy trì điểm tín dụng ở mức 700-750, bằng cách trả hết các khoản vay trong tháng đúng hạn.

Thứ hai, tiếp tục tiết kiệm tiền cho tuổi già. Đặc biệt, bạn nên tìm hiểu kỹ về các hình thức ưu đãi thuế để tối ưu hóa tài sản của mình.

Thứ ba, bạn nên học cách phân biệt giữa các khoản nợ xấu và nợ tốt. Nợ xấu là tiền bạn đi vay để mua những thứ không cần thiết như xổ số, quần áo, giải trí… Nợ tốt là tiền bạn đi vay để mua các loại tài sản có khả năng sinh lời trong tương lai. Ở tuổi 30, bạn nên trả hết các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Thứ tư, đừng chỉ tiết kiệm mà hãy mạnh dạn đầu tư.

Từ 20-50 tuổi cần tích lũy bao nhiêu tiền để sống an nhàn khi về già? Đừng để nước tới chân mới nhảy vì lúc đó không còn kịp nữa rồi! - Ảnh 3.

40 TUỔI

Khối tài sản nên có: 140.000 USD (3,2 tỷ VNĐ)

Đây là thời điểm mà bạn nên sở hữu một khối tài sản đáng kể trong tay. Nếu biết đầu tư khôn ngoan ở độ tuổi 20-30, bạn sẽ nhận về những trái ngọt đầu tiên ở độ tuổi 40, thậm chí là ở tuổi 50 sau này.

Đến lúc này, số tiền bạn đã tiết kiệm và đầu tư nên lớn gấp 3 lần so với mức lương hàng năm bạn nhận được.

Quá trình đầu tư luôn có lúc lên lúc xuống; điều duy nhất bạn có thể làm là kiên nhẫn chờ đợi. Nếu bạn muốn an toàn, đầu tư dài hạn sẽ là chiến lược hiệu quả nhất. Bạn nên nhớ rằng, dù ở độ tuổi nào thì cũng nên lấy cẩn trọng làm đầu.

Việc nên làm

Ở tuổi 40, bạn không còn cần phải chứng minh bản thân trước mặt người khác. Vì thế, đừng tiêu tốn tiền cho những bữa tiệc xa hoa, những ngôi nhà sang chảnh, những bộ quần áo thời thượng… Sống một cuộc đời vừa đủ và thoải mái mới là cái đích bạn cần hướng tới.

Thứ hai, bạn cần phải hiểu rằng, ở độ tuổi này, khối tài sản của bạn sẽ không gia tăng nhanh và nhiều như trước nữa. Những quyết định tài chính mà bạn đưa ra ở thời điểm này chưa phải là cuối cùng, nhưng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tương lai.

Thứ ba, đừng quên tiết kiệm tiền cho tuổi già. Chúng ta không bao giờ biết được chuyện gì đang chờ mình trong tương lai.

Từ 20-50 tuổi cần tích lũy bao nhiêu tiền để sống an nhàn khi về già? Đừng để nước tới chân mới nhảy vì lúc đó không còn kịp nữa rồi! - Ảnh 4.

TRÊN 50 TUỔI

Khối tài sản nên có: 168.000 USD (3,8 tỷ VNĐ)

Có thể bạn chưa biết: 99,7% khối tài sản của tỷ phú Warren Buffett đều do ông kiếm được từ những khoản đầu tư sinh lời sau tuổi 52. Ông chính là ví dụ điển hình cho sự kỳ diệu của lãi kép trong đầu tư.

Tất nhiên, không phải ai cũng học đầu tư từ năm 11 tuổi để trở thành "cỗ máy in tiền" như Warren Buffett. Vì vậy, nếu bỏ lỡ cơ hội làm giàu trong độ tuổi 30, hay thậm chí là 40, bạn cũng không nên nản chí.

Ở độ tuổi này, lãi kép mạnh tới mức số tiền bạn thu về đôi khi còn lớn hơn cả số tiền bạn bỏ ra đầu tư.

Việc nên làm

Đầu tiên, hãy tiết kiệm ít nhất gấp 5-8 lần thu nhập hàng năm của bạn. Ở độ tuổi này, bạn nên lập quỹ dự phòng khẩn cấp, phòng trường hợp gặp phải chuyện bất trắc không thể phục hồi kịp.

Thứ hai, đây là lúc bạn cần xác định xem nên làm gì sau khi về hưu. Có người chỉ muốn thoải mái tận hưởng tuổi già bên gia đình, có người vẫn đam mê kiếm thêm tiền sau khi hết tuổi lao động.

Thứ ba, hãy bảo vệ bản thân và những người thân yêu xung quanh. Trong giai đoạn này, bạn chính là trụ cột gia đình - kể cả về tài chính lẫn tinh thần. Vì thế, đừng quên chăm sóc bản thân và gia đình, bằng cách lên kế hoạch tương lai, viết di chúc, mua bảo hiểm,...

(Theo Medium)

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN